02/01/2024

Trong số phát sóng này, BS Nguyễn Ngọc Hiển, Phó Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp Bệnh viện An Bình TP.HCM sẽ hướng dẫn cách chăm sóc răng niềng và chỉ ra những sai lầm hay mắc phải của người niềng răng.

Hỏi: Thưa bác sĩ, vì sao trong quá trình niềng lại dễ phát sinh sâu răng?

Bác sĩ: Giải pháp niềng răng chúng ta thường thấy là gắn mắc cài kim loại hoặc mắc cài sứ lên mặt trước của răng. Việc phát sinh thêm các mắc cài gây cản trở trong vấn đề vệ sinh răng miệng hàng ngày. Do đó, bác sĩ khuyến cáo người niềng răng nên đặc biệt chú ý đánh răng ngay sau khi ăn để làm sạch các mảng bám, thức ăn dư thừa còn dính lại trên mắc cài, từ đó phòng ngừa trường hợp sâu răng quanh mắc cài sau tháo niềng. Ngoài ra người niềng còn có thể kết hợp sử dụng các dụng cụ vệ sinh như chỉ nha khoa, bàn chải kẽ, bàn chải có rãnh giữa chuyên dùng cho niềng răng. Đây là những giải pháp cơ học cần tuân thủ để đảm bảo vệ sinh răng miệng. 

Hỏi: Với sự cản trở của các mắc cài, người niềng răng nên lưu ý những gì để đảm bảo vệ sinh răng miệng, thưa bác sĩ?

Bác sĩ: Về vấn đề vệ sinh răng, khuyến cáo người niềng răng có thể đánh răng từ 15-20 phút sau bữa ăn, có thể sử dụng thêm các dụng cụ vệ sinh răng khác. Lưu ý cần vệ sinh kỹ xung quanh các mắc cài, vì thức ăn sẽ dễ bám vào vị trí này dẫn đến sâu răng.

Vấn đề thứ 2 là phải tới tái khám định kỳ theo đúng lịch hẹn của bác sĩ. Mục đích là để theo dõi quá trình niềng răng, và để bác sĩ thăm khám trực tiếp, đánh giá tổng quan tình hình răng. Hoặc nếu phát hiện tình trạng sâu răng mới chớm thì cũng sẽ kịp thời xử lý.

Hỏi: Thưa bác sĩ, bên cạnh sâu răng thì loét miệng cũng là vấn đề mà rất nhiều người niềng răng gặp phải, vậy cần phải làm gì để giảm bớt tình trạng này? 

Bác sĩ: Tình trạng loét miệng khi niềng là do sự ma sát, va chạm giữa mắc cài với bề mặt niêm mạc miệng. Tình trạng này khá phổ biến và bình thường. Tuy nhiên với những người có bề mặt niêm mạc miệng nhạy cảm với mắc cài thì có thể sử dụng thêm sáp nha khoa để che bớt những cạnh sắc nhọn của mắc cài. Ngoài ra lưu ý nên uống nhiều nước, vì khi bề mặt niêm mạc miệng đủ ẩm cũng sẽ góp phần làm hạn chế tình trạng loét.

Hỏi: Một vài trường hợp sau khi hoàn tất quá trình niềng một thời gian thì răng lại dần trở về hiện trạng ban đầu như hô, móm, lệch lạc…Xin bác sĩ cho biết nguyên nhân và có thể khắc phục tình trạng này không ạ? 

Bác sĩ: Vấn đề tái phát sau chỉnh nha là thử thách cho nhà lâm sàng và bệnh nhân. Sau mỗi đợt điều trị chỉnh nha, bác sĩ sẽ đưa cho bệnh nhân khí cụ để duy trì kết quả niềng răng. Nhưng một số người vì lý do nào đó lại quên mang khí cụ duy trì đều đặn. Điều này dễ dẫn đến tình trạng tái phát sau chỉnh nha, đặc biệt là trong 1 năm đầu sau khi tháo niềng. Do đó, bác sĩ khuyến cáo các bệnh nhân nên đeo khí cụ duy trì đúng theo thời gian, chỉ dẫn của bác sĩ. Ngoài ra vẫn phải tuân theo lịch tái khám định kỳ để hạn chế tối đa tình trạng tái phát sau chỉnh nha.

Xem thêm: Bác sĩ giải đáp về chứng ngưng tim khi ngủ, những cảnh báo quan trọng mà bạn nên biết

Xem thêm: Bác sĩ tư vấn: Trẻ dậy thì sớm, bố mẹ nên làm gì để đồng hành cùng con

Xem thêm: Bác sĩ nói về 'trào lưu' khâu eo tử cung, cảnh báo những rủi ro nguy hiểm

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên