11/02/2024

Trong số phát sóng này, BS.CKII Lê Trung Nhân, Trưởng khoa khám bệnh, bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM sẽ giải đáp cụ thể cách giải bia rượu, bảo vệ, thanh lọc gan ngày Tết hiệu quả.

Hỏi: Thưa bác sĩ, ngày Tết thường có những bữa tiệc tùng không tránh khỏi việc tiêu thụ nhiều thức ăn dầu mỡ nhiều năng lượng. Đặc biệt là rượu bia. Vậy điều này sẽ ảnh hưởng đến lá gan như thế nào?

Bác sĩ: Khi ngày Tết kéo dài thường kéo theo những bữa tiệc và phải dung nạp lượng thực phẩm rất nhiều kể cả nước uống có cồn. Khi sử dụng đồ uống có cồn với một lượng lớn kéo dài có thể gây quá tải ở gan, làm hưởng đến chức năng gan. Khi uống rượu bia, 20% sẽ được hấp thu ở dạ dày và 80% sẽ hấp thụ ở ruột non. Rượu bia vào trong máu thì 10% sẽ được đào thải qua hơi thở và da, nước tiểu, 90% được chuyển hóa ở gan.

Với một chiếc gan bình thường, sự chuyển hóa cũng cần khoảng thời gian nhất định, khi uống một lon bia khoảng 330cc thì sẽ mất khoảng 8 tiếng 30 phút để đào thải hết lượng cồn ra bên ngoài. Vậy nên, khi uống nhiều rượu và đặc biệt là rượu mạnh trong nhiều ngày có thể gây ảnh hưởng đến gan.

Hỏi: Thưa bác sĩ, vậy trong dịp Tết người dân cần làm gì để bảo vệ lá gan?

Bác sĩ: Quá trình chuyển hóa ở gan phải cần thời gian. Vì vậy, để bảo vệ lá gan thì nên chọn rượu, bia nhẹ như rượu trái cây, rượu vang, hạn chế dùng rượu, bia mạnh. Ngoài ra, có thể dùng một số ‘kỹ thuật’ khi uống giúp hạn chế ảnh hưởng lên lá gan. Ví dụ như ăn, uống nhẹ trước khi dùng rượu, bia, uống một hộp sữa tươi trước khi uống 30 phút cũng giúp quá trình bảo vệ niêm mạc dạ dày và tăng khả năng đào thải rượu, giảm sự hấp thu rượu vào trong máu. Ngoài ra, sau khi uống rượu, uống nước mật ong cũng giúp tăng quá trình chuyển hóa rượu, thải độc. Có thể dùng bột sắn dây hay nước trà cũng làm tăng quá trình đào thải rượu.

Hỏi: Thưa bác sĩ, có những loại thuốc được quảng cáo là giải được rượu, bia, đây có phải là sự thật không? Và liệu đâu mới chính là cách giải rượu, bia đúng và hiệu quả nhất ?

Bác sĩ: Nhiều người thường khuyên nhau sử dụng nhóm thuốc Paracetamol, cụ thể là Efferalgan, uống thuốc này làm tăng quá trình chuyển hóa gan là thật nhưng lại mang tính độc cho gan. Vì vậy, quá trình này cũng không mang tính khoa học và không nên dùng.

Ngoài ra, ở thực phẩm chức năng cũng giới thiệu rất nhiều về các thuốc giải rượu, nhưng về mặt y khoa thì không nên vì cơ chế không rõ ràng. Chỉ nên dùng những thủ thuật giúp cho sự đào thải của rượu nhanh hơn.

Thuốc đau bao tử cũng có cơ chế rõ ràng. Thuốc đau bao tử loại ức chế tăng tiết dịch vị thì khi uống rượu bia có thể kích thích dạ dày tiết ra axit. Vì vậy, khi uống những chất ức chế tiết dịch vị, kháng axit dạ dày thì có thể giúp người uống cảm thấy dễ chịu hơn nhưng không phải là một chất giải độc.

Xem thêm: Bác sĩ khuyến cáo: Làm đẹp cấp tốc đón Tết, coi chừng tai biến thẩm mỹ

Xem thêm: Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Vũ Thượng nói về biến thể phụ JN.1 của Covid-19, cách phòng tránh dịp Tết

Xem thêm: Bác sĩ khuyến cáo: Bệnh đái tháo đường diễn biến âm thầm, cần làm gì để phát hiện bệnh?

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên