29/02/2024

Lấy ráy tai không đúng cách sẽ khiến tình trạng khó chịu tai trầm trọng, tăng nguy cơ mắc các bệnh về tai như viêm tai, thậm chí thủng màng nhĩ. TS.BS Nguyễn Ngọc Minh, phó chủ tịch Hội Thính học Việt Nam sẽ tư vấn cụ thể về cách lấy ráy tai đúng.

Hỏi: Thưa bác sĩ, xin bác sĩ cho biết ráy tai là gì và có nên lấy ráy tai không?

Bác sĩ: Ráy tai là một chất nhầy được tiết ra bình thường trong ống tai. Ống tai của người bình thường có 2 phần: phần ở ngoài có thể di động, nhúc nhích được, phần còn lại sát bên trong, dính vào xương. Ráy tai tiết ra ở phần ngoài của ống tai, được trôi dần dần theo từng ngày, từng tuần và trôi ra ngoài. Tuy nhiên, theo một số trường hợp các bé có độ tăng tiết chất nhầy trong ống tai nhiều và nhanh hơn. Các bà mẹ không khéo hoặc không có thói quen lấy ráy tai cho trẻ sẽ dễ làm cho ráy tai của trẻ nhiều ra và bị bít lại.

Hỏi: Thưa bác sĩ, các trẻ nhỏ hoặc cũng có rất nhiều người lớn sử dụng tăm bông để ngoáy tai, điều này sẽ gây hại thế nào đến tai?

Bác sĩ: Các bà mẹ thường lấy bông tăm và nghĩ rằng dụng cụ này mềm, phù hợp lấy ráy tai cho trẻ em nhưng lại vô tình làm phần ráy tai cần lấy bị đẩy sâu vào bên trong. Khi ráy tai sâu quá giới hạn của ống tai ngoài thì ráy tai sẽ bám ở vị trí đó, không thể lấy hoặc rất khó để lấy ra được.

Lúc này, ta cần phải lấy nút ráy tai ra và phải lấy ra đúng kỹ thuật, không nhất thiết phải lấy được tất cả, chỉ cần lấy được một phần để các bé nghe được. Đối với phần ráy tai còn lại thì nên giữ nguyên để bảo vệ da ống tai, đó là chất kiềm giúp trung hòa độ axit, có những enzim và kháng thể kháng vi trùng. Nếu cố gắng nạo sạch hết ráy tai thì sẽ làm thay đổi độ pH của ống tai. Từ đó, rất dễ gây ra một số bệnh lý như nấm tai.

Hỏi: Hiện nay cũng có nhiều người có thói quen đi lấy ráy tai ở các dịch vụ bên ngoài. Vậy điều này có nên hay không và có các sai lầm nào khi lấy ráy tai mà chúng ta cần lưu ý?

Bác sĩ: Hiện nay các thanh niên có thói quen ngồi ở đâu lấy ráy tai ở đó và đây chính là một nguy cơ gây lây nhiễm. Cụ thể, vì dụng cụ sử dụng không đúng quy cách, không hợp vệ sinh, lấy ráy tai không hết có thể gây ra sang chấn. Nhất là đối với các cơ sở lấy ráy tai cần phải cần đảm bảo đúng quy trình, đúng kỹ thuật. Dụng cụ lấy ráy tai phải được dùng riêng để tránh nguy cơ gây lây nhiễm. Vì việc bị lây nhiễm bây giờ rất nhiều, nhẹ nhất là nhiễm trùng, nhiễm nấm, nặng hơn nữa là nhiễm HIV. Việc lây nhiễm có thể bắt nguồn từ những vết trầy da, chấn thương, từ đó gây nhiễm trùng. Vì vậy, không nên lấy ráy tai một cách bừa bãi, không đúng quy cách và tốt nhất là nên để nhân viên ngành y, bác sĩ tai mũi họng thực hiện sẽ đảm bảo hơn.

Xem thêm: Bác sĩ hướng dẫn: cách phòng tránh, điều trị nhiễm trùng bàn chân ở người tiểu đường

Xem thêm: Bác sĩ cảnh báo: Tác hại khi đeo tai nghe thường xuyên

Xem thêm: Bác sĩ tư vấn: Cách phòng ngừa thoái hóa khớp mà bạn nên biết sớm

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên